Các hãng xe luôn muốn tạo ra một chi tiết đặt trưng để tạo dấu ấn đối với khách hàng. Vì vậy,các hãng luôn cố gắng duy trì những chi tiết riêng biệt của mình trên các mẫu xe, từ thế hệ này qua thế hệ khác, chúng có thể thay đổi đôi chút nhưng không làm mất đi bản sắc nguyên thủy. Hôm nay, xin mời quý đọc giả cùng điểm lại những thiết kế đã tạo nên đặc trưng cho các thương hiệu xe hơi này.

Audi – Khoang lái ảo (Virtual Cockpit)
Công nghệ khoang lái ảo lần đầu xuất hiện trên Audi TT thế hệ thứ 3 (2014) thay thế cụm đồng hồ số truyền thống bằng màn hình độ phân giải cao mà người lái có thể tùy biến thông qua dàn nút bấm trên vô lăng.
Từ khi ra mắt cho tới nay đây đã là công nghệ chủ đạo trong nội thất của toàn bộ các dòng xe Audi mới và cho tới năm 2018 các xe của hãng Audi đều sử dụng công nghệ này.

BMW – Tản nhiệt hình quả thận
Tản nhiệt hình quả thận là chi tiết đặc trưng giúp phân biệt xe BMW với các hãng xe khác. Thiết kế này được sử dụng lần đầu cho mẫu BMW 303 của thương hiệu xe hơi đến từ Đức và kéo dài tới tận ngày nay. Chỉ có một số rất ít các dòng xe BMW không sử dụng thiết kế này như Isetta.

Citroen – Vô lăng đơn chấu
Có thể nói vô lăng đơn chấu đã là điểm đặc trưng của Citroen trong hàng thập kỷ qua kể từ khi chiếc DS xuất hiện vào năm 1955. So với kiểu đa chấu, loại vô lăng đơn chấu đơn giản giúp người lái dễ dàng quan sát cụm đồng hồ phía sau hơn. Tuy nhiên, Citroen đã buộc phải thay đổi và từ bỏ đặc trưng riêng của mình từ năm 1994 sau khi vô lăng đơn chấu không tích hợp được túi khí.

Lamborghini – Cửa cắt kéo
Cửa xe dạng cắt kéo luôn xuất hiện trên các dòng xe trang bị động cơ V12 của Lamborghini. Khởi đầu với Countach, cửa cắt kéo sau đó xuất hiện trên Diablo và giờ là Aventador.

MINI – Đồng hồ đo tốc độ trung tâm
MINI trước khi thuộc về BMW có cách bố trí cụm đồng hồ khác biệt. MINI đặt đồng hồ đo tốc độ ở trung tâm táp lô để đơn giản hóa thiết kế nội thất cũng như công đoạn sản xuất linh kiện cho xe tay lái thuận và nghịch. Khi thương hiệu Anh Quốc được BMW mua lại, 2 thế hệ MINI đầu tiên cũng sử dụng thiết kế này cho tới khi thế hệ thứ 3 buộc phải trả đồng hồ về vị trí trước người lái truyền thống để dành chỗ cho màn hình thông tin giải trí trung tâm.

Porsche – Ổ khóa/nút bấm khởi động bên trái vô lăng
Porsche gần như luôn luôn đặt vị trí ổ khóa hoặc nút bấm khởi động xe bên trái vô lăng. Nguyên nhân của cách bài trí này là do giải đua Le Mans 24 Giờ – nơi tay đua phải đứng bên ngoài và chạy tới mẫu xe của mình một cách nhanh nhất. Thao tác này yêu cầu người lái phải khởi động xe nhanh nhất có thể và thế là ổ khóa được đặt ở bên trái vô lăng, sát cửa để tiện thao tác (một tay vặn khóa/bấm nút, một tay chỉnh cần số).
Mặc dù, Le Mans đã bỏ quy định đua này từ năm 1970 vì lý do an toàn nhưng Porsche vẫn giữ cách bài trí này tới tận ngày nay.

Subaru – Hệ dẫn động 2 cầu
Subaru trình làng dòng xe 2 cầu đầu tiên là Leone tại Nhật vào năm 1972 và ngay sau đó là tại Mỹ. Chính hệ dẫn động toàn diện này là nguyên nhân họ thu hút được một số lượng không nhỏ khách hàng trung thành tại cả Mỹ và Nhật, nhất là khi trải nghiệm lái khi đó của Leone giống xe du lịch hơn là xe tải sử dụng dẫn động 2 cầu.
Thành công tới với Subaru khiến họ đưa ra quyết định “tiêu chuẩn hóa” hệ dẫn động 2 cầu lên mọi dòng xe của mình bất kể giá xe hay phân khúc ra sao với ngoại lệ duy nhất là dòng thể thao BRZ được trang bị hệ dẫn động cầu sau theo yêu cầu của khách hàng.

Sang Nguyễn (Theo Autopro)